Bệnh đái tháo đường không tác động ngay lập tức đến sức khỏe của bệnh nhân nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như để lại những biến chứng vô cùng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Bà Nguyễn Thị Bình, tổ 19, phường Trưng Vương phát hiện mắc đái tháo đường trong một lần đi khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế thành phố. Bà chia sẻ hơn 2 năm qua nhờ phát hiện bệnh sớm, khi điều trị được hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống và tập luyện thể dục, thể thao nên lượng đường trong máu qua kiểm tra khá ổn định.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung 55 tuổi ở phường Cam Giá có các triệu chứng khát nước, mệt mỏi, giảm cân nhiều, ăn nhiều, uống nước nhiều,…khi đi khám được bác sỹ cho biết bị tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ). Nhờ được điều trị và cấp thuốc kịp thời nên tình trạng của bà đã ổn định. Bà Nhung cho biết, dù rất bận rộng nhưng cứ đến ngày hẹn hàng tháng, bà đều chủ động đến Trung tâm Y tế thành phố để được kiểm tra huyết áp, nước tiểu, thử máu và lấy thuốc.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên tính đến hết tháng 9 năm 2019, Tại Trung tâm khám, quản lý, điều trị và cấp thuốc định kỳ hàng tháng cho 1.321 bệnh nhân tăng huyết áp, 1185 bệnh nhân tiểu đường có sổ lĩnh thuốc ngoại trú. Bên cạnh đó, có 17/32 trạm y tế xã, phường triển khai chương trình quản lý, điều trị cấp thuốc định kỳ cho 1018 bệnh nhân tăng huyết áp có sổ lĩnh thuốc ngoại trú.

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Anh - Giám Đốc Trung tâm cho biết: Đái tháo đường còn gọi là bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hóoc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước. Nếu bệnh nhân không kiểm soát được lượng đường máu bằng chế độ ăn, tập luyện thể dục thể thao và dùng thuốc thì sẽ gây ra rất nhiều biến chứng. Đầu tiên là ở các mạnh máu nhỏ, thường xuất hiện ở ngoại vi gây tắc mạch chi hoặc hoại tử, nhiễm trùng các chi. Thứ hai là biến chứng dây thần kinh gây tế bì chân tay hoặc mất cảm giác. Nặng nề hơn nữa là biến chứng về thận, đục thủy tinh thể, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não…Bên cạnh đó, bác sỹ cũng khuyến cáo mỗi người cần lưu ý đến từng thay đổi nhỏ trong sinh hoạt, sức khỏe như thường khát nước, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, hay đói, ăn nhiều, giảm cân không rõ nguyên nhân; vết thương lâu lành; mờ mắt cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hàng ngày nên tập thể dục giúp tăng cường oxy máu huyết lưu thông, giảm lượng đường trong máu, bớt nguy cơ tim mạch…

Để phòng chống ĐTĐ mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể dục thể thao, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế.