Hộ chiếu vaccine, quy trình cấp hộ chiếu vaccine điện tử, thời hạn sử dụng và những thông tin cần biết. Hộ chiếu vaccine có thể được coi như là một thông tin xác thực theo chuẩn của tổ chức Y tế thế giới về tình hình tiêm vaccine đặc biệt là vaccine covid19 của mỗi cá nhân phục vụ cho các nhu cầu hành chính, đi lại, đi du lịch và đặc biệt là đi nước ngoài.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 20/12/2021 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT về biểu mẫu và quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine". Theo đó Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các đơn vị liên quan xây dựng chức năng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 và các hệ thống liên quan phục vụ cho việc ký số và cấp "Hộ chiếu vaccine".
Hộ chiếu Vaccine điện tử là gì? Thời hạn sử dụng?
Hộ chiếu vaccine điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu ban hành. Thời hạn sử dụng là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.
Quy trình cấp hộ chiếu vaccine điện tử (Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế)
Quy trình cấp gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Những thông tin cần biết về Hộ chiếu Vaccine:
- Các thông tin trên hộ chiếu vaccine
Hộ chiếu vaccine" cần hiển thị 11 trường thông tin: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.
(Ảnh theo Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch covid19)
- Thời gian cấp hộ chiếu vaccine trên toàn quốc
Bộ Y tế ngày 4/4 đã yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên cả nước triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 từ ngày 8/4, để Bộ tiến hành cấp “hộ chiếu vaccine” điện tử cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4.
- Xem hộ chiếu vaccine trên ứng dụng nào?
Hộ chiếu vaccine điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.
- Mất xác nhận tiêm chủng bản giấy có được cấp Hộ chiếu vaccine điện tử không?
Ngoài giấy xác nhận tiêm chủng thì hầu như 100% thông tin tiêm chủng của người dân đã được cập nhật lên ứng dụng PC-COVID hoặc Sổ sức khỏe điện tử, nên nếu đã có thông tin trên các ứng dụng này thì người dân sẽ được cấp Hộ chiếu vaccine điện tử mà không cần phải có bản giấy
- Các mũi tiêm được tiêm ở cũng cở sở tiêm chủng khác nhau có ảnh hưởng gì đến việc cấp hộ chiếu vaccine
Trường hợp này Người dân không cần phải làm thủ tục gì thêm. Các mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì các cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm ký số chứng nhận, Bộ Y tế sẽ cấp "Hộ chiếu vaccine" bao gồm thông tin các mũi tiêm.
- Ai được cấp hộ chiếu vaccine, Các thông tin tiêm chủng sai, thiếu thì xử trí sao?
Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp "Hộ chiếu vaccine" mà không phải làm thủ tục gì thêm.
Dù đã được tiêm 1 mũi, 2 mũi hay tiêm bao nhiêu mũi thì vẫn được cấp "Hộ chiếu vaccine", trong đó sẽ có thông tin tiêm loại vaccine nào, số mũi.
Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng, trên PC-Covid hoặc trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.
Nếu có sai sót/thiếu thông tin đề nghị người dân liên hệ (trực tiếp hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 tiemchungcovid19.gov.vn) với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.
Hoặc chúng ta có thể tham khảo bài viết dưới đây về cách thức phản ảnh thông tin tiêm chủng: Hướng dẫn người dân gửi phản ánh thông tin tiêm chủng vaccine covid19
- Tiêu chuẩn kỹ thuật của Hộ chiếu vaccine, những quốc gia nào đã chấp nhận?
Hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.
Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp "Hộ chiếu vaccine". Để biết "Hộ chiếu vaccine" được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao hoặc các phương tiện thông tin đại chúng
Ngồn: Tổng hợp từ CỔNG THÔNG TIN CỦA BỘ Y TẾ VỀ ĐẠI DỊCH COVID-19